Phát triển Kinh tế tuần hoàn & Năng lượng tái tạo

Ngày đăng: 05:56 PM 10/08/2021 - Lượt xem: 957

Phát triển Kinh tế tuần hoàn:

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là khái niệm được sử dụng lần đầu vào năm 1990, bởi đồng tác giả (Pearce, Turner) cuốn sách có tên “Kinh tế Tài nguyên và Môi trường”. Đến nay, tuy vẫn có những tài liệu đưa ra các khái niệm khác nhau do cách tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu và ứng dụng có tính đặc thù riêng.

Tuy nhiên, từ góc độ nền kinh tế, khái niệm KTTH có thể được hiểu là “Mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”. Sự tuần hoàn thể hiện trong tái sử dụng, thông qua chia sẻ, sửa chữa, tân trang, tái chế, tái sản xuất…tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm.

Nền KTTH thực chất là kéo dài thời gian sử dụng các sản phẩm, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nhằm tăng năng suất của các tài nguyên. Các “phế thải” của quy trình sản xuất-tiêu dùng này, được xem như nguyên vật liệu của các quy trình sản xuất-tiêu dùng khác, bất kể đó là sản phẩm chính, phụ hay tài nguyên được thu hồi.

Theo giới nghiên cứu, trong mỗi nền kinh tế, vốn, lao động, khoa học, công nghệ, tài nguyên được xác định là những yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình tái sản xuất (theo nghĩa rộng: sản xuất-phân phối-trao đổi-tiêu dùng) đều tạo ra chất thải vào môi trường. Để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế cần phải giảm đến mức thấp nhất chất thải ra môi trường.

Vì thế, KTTH được mô tả là hệ thống kinh tế dựa vào các mô hình kinh doanh không có sự “kết thúc vòng đời” bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình tái sản xuất ở các cấp độ từ vi mô đến vĩ mô, đáp ứng sự thịnh vượng về kinh tế, công bằng xã hội, bảo đảm lợi ích của hiện tại và tương lai.